Sự chuẩn bị của triều Tống Chiến_tranh_Kim-Tống_(1206-1208)

Sau Long Hưng bắc phạt (1161 - 1164), Tống - Kim ký kết hòa nghị xưng chú cháu. Sau hòa nghị Long Hưng, hai nước tạm ngưng binh đao, duy trì hòa binh suốt hơn 40 năm. Cả hai nước KimNam Tống bước vào thời kì cực thịnh. Ở Tống, vua Hiếu Tông (1162 - 1189) cải cách chính sự, dẹp trừ nạn tham ô hủ bại dưới thời Tống Cao Tông, triều Tống xuất hiện một thời kì thái bình, sử xưng Càn Thuần chi trị. Ở miền bắc, Kim Thế Tông (1161 - 1189) bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, tín nhiệm hiền thần, bỏ việc gây hấn ở vùng biên, triều Kim cũng phát triển đến cực điểm, người trong nước tôn xưng Ung là Tiểu Nghiêu Thuấn.

Cuối thế kỉ XII đầu thế kỉ XIII, hai miền nam - bắc kết thúc thời thịnh trị và bắt đầu suy yếu. Năm 1189, Kim Thế Tông qua đời, năm sau Tống Hiếu Tông nhường ngôi cho con là Tống Quang Tông Triệu Đôn. Quang Tông đau ốm liên miên, trong cung lại có hoàng hậu Lý Phượng Nương chuyên quyền áp bức, li gián hai cung khiến tình cha con của hai vua triều Tống rạn nứt, cuối cùng Quang Tông bỏ cả việc chịu tang cho Hiếu Tống sau khi ông qua đời. Vì thế nên năm 1194, các đại thần phát động chính biến, buộc Quang Tông nhường ngôi cho Triệu Khoáng, tức Tống Ninh Tông (1194 - 1224). Những năm đầu thời Ninh Tông, gian thần Hàn Thác Trụ lật đổ tể tướng Triệu Nhữ Ngu, đoạt quyền triều cương, sát hại đại thần, bài xích Đạo học, quyền nghiêng trong ngoài, nắm giữ cả giang sơn triều Tống. Nước Kim lúc này cũng đã qua thời cực thịnh; triều chính rơi vào hủ bại. Kim Chương Tông (1189 - 1208) đẩy mạnh Hán hóa, mỗi lúc một xa rời với văn hóa Nữ Chân truyền thống khiến nhiều thế lực thủ cựu bất bình. Trong triều, Chương Tông nghi kị tông thân, trước sau đã sát hại ba vị hoàng thúc, lại sủng ái Nguyên phi Lý Sư Nhi, tín nhiệm ngoại thích Lý thị và bọn quyền thần làm lũng đoạn triều chính. Cộng thêm ở phía bắc Mông Cổ ngày một lớn mạnh, uy hiếp biên cương triều Kim. Chương Tông ba lần phái quân bắc phạt, tuy tiêu diệt được hai bộ tộc nhưng gián tiếp giúp cho tộc Mông Cổ loại bớt đối thủ, cuối cùng năm 1206, Thiết Mộc Chân thống nhất thảo nguyên xưng hãn và chuẩn bị chiến tranh với Kim.

Hàn Thác Trụ cầm quyền ở Tống, có ý thu phục Trung Nguyên để tăng thêm quyền lực cho mình. Vào năm 1203, sứ Tống Đặng Hữu Long đi sứ nước Kim trở về tấu rằng nước Kim suy yếu, vua Kim hôn dung nhu nhược bên ngoài có Mông Cổ quấy nhiễu vùng biên, trong nước dân tình khốn khổ, trong triều có sủng phi lộng thần nắm quyền, sẽ mau chóng mất nước. Hàn Thác Trụ nghe tin, rất vui mừng và tích cực chuẩn bị đánh Kim, khôi phục Trung Nguyên. Ngay mùa đông năm đó, Thác Trụ dùng Tham tri chính sự Trương Nham suất quân Hoài Đông, Đồng tri Xu mật viện Trình Tùng xuất quân Hoài Tây, Khâu Sùng giữ Minh châu, Tân Khí Tật cầm quân ở Chiết Đông, Lý Dịch làm Kinh Ngạc đô thống kiêm tri Tương Dương, bề ngoài nói là đề phòng giặc cướp gây hấn nhưng thực chất là chuẩn bị bắc phạt. Lại thêm có Tân Khí Tật, Trịnh Hữu Long phụ hòa vào, nên ý muốn bắc phạt của Thác Trụ càng mạnh[1].

Để bắt đầu việc bắc phạt, Thác Trụ đề nghị cho truy phong Nhạc PhiHàn Thế Trung. Trước đó vào thời Hiếu Tông, Hàn Thế Trung được truy phong làm Đan vương, Nhạc Phi chỉ được ban thụy Vũ Mục. Nay Thác Trụ cho lập miếu của Thế Trung, truy phong Nhạc Phi là Ngạc vương, Lưu Quang Thế là Phu vương (1204)[2], lại truy đoạt quan tước của Tần Cối, cải thụy là Mậu Sửu (nghĩa là "xằng bậy")[3]. Thác Trụ sai Hứa Cập Chi trấn giữ Kiến Khang, Phí Sĩ Dần giữ Hưng Nguyên nhưng cả hai không chịu liền bị bãi chức. Thác Trụ dùng Trương Hiếu Bá, Trương Nham làm Tham tri chính sự, Tiền Tượng Tổ đồng tri Xu mật viện sự. Vào tháng 12 ÂL năm 1204, Trần Tự Cường xin theo khuôn khổ thời Tống Hiếu Tông, lập ti Quốc dụng để kiểm soát tài chính. Ninh Tông nghe theo, dùng Trần Tự Cường, Phí Sĩ Dần, Trương Nham đứng đầu ti này. Hộ bộ thượng thư Lý Đại Tín dâng thư can gián nên bị Hàn Thác Trụ điều ra phủ Bình Giang. Ba kẻ kia nắm được ti Quốc dụng và ra sức vơ vét tiền của nhân dân khiến châu quận tao động. Thác Trụ tiếp tục cho đào sông, mở đường, chế tạo vũ khí, rèn luyện quân đội... chuẩn bị tiến lên miền bắc.